Những LIFE HACKS khi trở thành sinh viên APU
- vysaapu
- Sep 17, 2019
- 8 min read
Updated: Feb 20, 2020
Bắt đầu cuộc sống tự lập tại một đất nước mới luôn có nhiều thử thách, nhất là khi các em nhập học bằng tiếng Anh tại đất nước chỉ nói tiếng Nhật. Có nhiều vấn đề tưởng như nhỏ trong cuộc sống nhưng cũng gây ra nhiều khó khăn, lúng túng. Chị nghĩ nếu như chúng ta biết một số kỹ năng life hacks sau đây, cuộc sống hàng ngày có thể sẽ dễ dàng hơn rất nhiều đấy!
1. Sử dụng tiền xu
Rất nhiều bạn cảm thấy lúng túng và khó chịu khi lần đầu sử dụng tiền xu, thậm chí tránh dùng tiền xu, tích góp lại cả hộp rồi 1 hôm nào đấy mang đổ xoạch ra siêu thị trả 1 lần. Đó chưa phải là cách sử dụng thông minh và nếu đặt mình vào vị trí người bán hàng tại siêu thị hay khách hàng khác đang chờ thanh toán, sẽ không ai cảm thấy dễ chịu khi phải tỉ mẩn đếm hay chờ đợi cả. Làm phiền người khác để tiện cho mình là việc rất nên tránh ở Nhật. Vậy tại sao các nước phát triển đều dùng tiền xu? Bởi vì tiền xu có độ bền cao, khó làm giả hơn, và dễ nhận dạng khi cho vào máy bán hàng tự động. Việt Nam cũng đã từng nỗ lực phát hành tiền xu, nhưng do chúng ta chưa có hệ thống máy bán hàng tự động phát triển, đi tàu, đi bus đều giao dịch qua nhân viên nhà xe, trả tiền giấy, chứ không dùng máy tự động, nên người dân thấy chưa thực sự cần thiết phải dùng xu.
Cách sử dụng xu thông minh, trước hết là tìm cho mình ví có ngăn đựng xu (sẽ đỡ lỉnh kỉnh hơn là 1 ví tiền giấy, 1 ví đựng xu riêng). Nếu chỗ đựng xu có 2 ngăn thì càng tốt, những xu 10yen trở xuống để 1 ngăn, những xu 50yen trở lên để ngăn còn lại. Mỗi lần trả tiền thì ngoài phần tiền to trả bằng tiền giấy, đếm luôn số xu lẻ để trả. Thà rằng mỗi lần trả tiền thêm vài giây đếm xu thì hơn là 1 lần nào đó đem cả túi đổ xoạch ra nhé. Có thể đếm 1 cách linh hoạt, ví dụ: món đồ 148yen có thể đưa 150yen lấy lại 2 yen, thì hơn là đưa 200yen lấy lại 52 yen; hoặc đưa 158yen lấy lại 1 đồng 10yen, hoặc đưa 153 yen lấy lại 1 đồng 5 yen… Chỉ sau vài lần dùng xu là các em sẽ quen và nhận mặt xu rất nhanh, còn nếu ngại thì sẽ mãi mãi tích trữ hũ xu thôi ^^
Cách khác nữa là khi dùng máy tự động, nếu để ý thấy không có ai đang chờ phía sau, thì cứ thoải mái chọn xu lẻ thả vào để đỡ nặng túi. Nhiều khi có bao nhiêu cứ thả vào hết đỡ phải đếm, sau khi mua xong máy sẽ trả lại một cách tối ưu nhất (ví dụ: chai nước 120yen, em có thể thả bừa vào 23 đồng 10yen (230yen), sau khi mua xong máy sẽ trả lại 110yen dưới dạng 1 đồng 100yen và 1 đồng 10yen chứ không phải 11 đồng 10 yen) Tuy nhiên máy tự động không nhận xu 1 yen hay 5 yen nên không tiêu được loại này.
2. Mua sắm số lượng lớn và cách bảo quản thực phẩm
Chợ gầm cầu, hàng rau ông già Kannawa, hàng rau bà già Ishigaki, Aprice… là những chỗ chị thường xuyên tới mua đồ ăn vì giá luôn rẻ nhất và nhiều loại đa dạng. Cụ thể mỗi nơi có gì hay mọi người có thể xem album “Lượm lặt” của chị, chú ý các comment bên dưới thường có hướng dẫn cách đi lại và bản đồ Google Map.
Vấn đề ở đây là đồ giá rẻ thường bán theo số lượng lớn, vậy phải bảo quản như thế nào? Về cơ bản, chỉ cần màng bọc thực phẩm, túi nilon đựng thực phẩm (loại túi mỏng và nhỏ để tiện chia từng bữa ăn, mua ở Hirose, hoặc 100yen shop, 1 bọc 100-150 túi)
- Rau quả có thể bọc nilon, giấy báo để tươi trong ngăn mát tủ lạnh, tùy loại và mức độ tươi, có thể để được 3 ngày – 1 tuần. Nếu cảm thấy dễ hỏng, không ăn hết ngay thì có thể rửa, sạch sơ chế cắt khúc, cắt miếng cho vào túi nilon thực phẩm bỏ ngăn đá (áp dụng cho các loại rau, bí ngô, cà chua, cà rốt, các loại đậu đỗ…)
- Khoai tây, khoai lang, khoai sọ, hành tây… không cần bỏ tủ lạnh, để nơi thoáng mát là được
- Thịt cá tươi chắc chắn cần bỏ ngăn đá nếu không ăn đến ngay. Có thể tranh thủ lúc thịt cá còn tươi tẩm ướp gia vị sẵn trước khi chia ra túi nhỏ cất ngăn đá.
- Thịt cá đông lạnh có thể để rã đông tự nhiên 1 chút cho đến khi có thể cắt, tách thành từng miếng vừa bữa, bỏ túi nilon thực phẩm rồi trữ đông lại.
- Có thể nấu cơm, kho thịt, cá 1 bữa to rồi chia vào các hộp nhỏ bỏ ngăn đá, đến bữa mang ra vi sóng ăn ngay cho những ngày bận rộn. Tuy nhiên cố gắng nấu tươi hàng ngày vẫn là tốt nhất cho sức khỏe.
Còn những thắc mắc khác: Google, Youtube có sẵn trong tay, mọi người hãy chăm tự tìm kiếm thông tin cho mình, cả cách bảo quản thực phẩm thông minh lẫn recipe các món ăn ngon và dễ làm nhé.
3. Tìm đường xe bus
Đây là công cụ tìm kiếm chuyến xe bus và giờ xuất phát của các xe bus cho từng bến xe tại Beppu và Oita nhé ^^
Các em có thể search keyword bằng romaji cũng được, hết sức tiện lợi. Nhược điểm là chỉ có thể tìm được nếu em biết chính xác tên bến xe, hoặc từ những địa điểm chính có trong dữ liệu của trang web. Không tìm được từ địa chỉ cụ thể hoặc từ các keyword ngoài dữ liệu.
Trong trường hợp cần tìm tuyến xe bus từ địa chỉ cụ thể, các em có thể paste địa chỉ đó qua Google Map, rồi nhìn so sánh tương ứng với bản đồ có trong trang công cụ tìm bus kia, từ đó tìm ra bến bus gần chỗ mình đến nhất, rồi chọn "Assign as point of departure/arrival" ^^ vô cùng tiện lợi. Chú ý là khi mới mở trang web, bản đồ default là Oita đấy, zoom out 1 chút rồi di chuột chuyển qua Beppu nhé.
Ngoài ra ngay đầu trang web có hướng dẫn cách dùng, và có link sang trang web (ban đầu là tiếng Nhật nhưng có thể chọn đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh) nói về các địa điểm nổi tiếng tại Oita theo từng chủ đề (onsen, sakura, momiji...), mọi người tham khảo luôn để có thể tổ chức chuyến đi một cách khoa học, tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
4. Hưởng thụ Onsen sang chảnh giá rẻ hay miễn phí
Trong các note khác chị đã nhắc đến quyển Onsenbon trứ danh với rất nhiều vé giảm giá, miễn phí Onsen cũng như các khu vui chơi giải trí. Tất cả thông tin bằng tiếng Nhật, nhưng để giúp các em sử dụng đúng cách, chị sẽ giải thích một số thông tin cơ bản dưới đây:
- Bản đồ toàn thành phố đính ngay sau trang bìa: bản đồ được chia ra thành từng ô, và trong mỗi ô có ghi tên + mã số của mỗi onsen. Khi xem thông tin mỗi onsen, họ sẽ có chú thích A5 chẳng hạn em chỉ cần nhìn vào cột A, hàng thứ 5, tìm đúng mã số onsen là biết vị trí onsen đó nằm ở đâu.
- Trang 3 giới thiệu quyển Spaport. Ai muốn làm Onsen Master (onsenmeijin) có thể mua quyển spaport này với giá 100yen tại Beppu station. Mỗi onsen có 1 con dấu, ai đi đủ 88 onsen, lấy 88 con dấu khác nhau sẽ nhận được danh hiệu Onsen Master
- Trang 6-7 giới thiệu 8 khu vực với 8 loại nước khoáng chính tại Beppu
- Trang 8-9 giới thiệu cách tắm onsen: Khi vào tắm không mặc đồ gì hết, tắm gội sạch rồi xuống bể ngâm (nhớ không mang khăn cọ người nhúng vào bể chung), khi tắm chú ý không đứng dội hay làm bắn nước vào người khác; ngâm nước nóng hay sauna vài phút chứ không nên ngồi quá lâu có thể gây choáng, tắm xong lau khô người, nghỉ chỗ thoáng mát và nhớ uống nhiều nước. Nhắc thêm là càng những thứ miễn phí chúng ta càng phải giữ gìn cẩn thận, đừng làm ồn ào, không chụp ảnh nếu có người khác đang tắm hay gây bất cứ phiền hà thiệt hại nào cho người khác và khách sạn, kẻo năm sau không có mà dùng nữa đâu.
- Trang 36 có giới thiệu về vé bus Kamenoi Beppu Free, unlimited ride 1 hoặc 2 ngày, và có coupon giảm giá vé bus nữa ^^
- Trang 56-71 giới thiệu tất cả các onsen, cả loại 100yen tắm hàng ngày và loại sang trong các khách sạn lớn. Thông tin có tên onsen, giá tiền, thời gian mở cửa đón khách, và đặc biệt, dòng cuối có tên bến xe bus Kamenoi gần nhất và thời gian đi bộ từ bến đó.
- Trang 90 có 6 khách sạn cho phép các em vào tắm miễn phí, tham khảo trang 81-82 cho thông tin về giờ mở cửa của mỗi khách sạn. Đến mỗi khách sạn họ sẽ đóng 1 dấu vào ô tương ứng trong Onsenbon. Chú ý là thứ 7, Chủ Nhật, ngày lễ hay đợt lễ lớn như Golden week, Obon, New Year… họ sẽ ưu tiên khách trọ tại khách sạn nên chúng ta không dùng miễn phí được (xem chi tiết phần hướng dẫn trong trang 90)
- Trang 91 có 1 vé miễn phí và 2 vé giảm giá 100yen cho các onsen liệt kê trong trang 81-87. Một số ngày lễ đông cũng không được sử dụng (xem chi tiết in trên vé). Onsen nào 500yen trở lên dùng vé miễn phí là lãi rồi, onsen nào dưới 500yen thì dùng vé giảm 100yen là hợp lý.
- Các trang cuối quyển sách có rất nhiều vé giảm giá các khu vui chơi giải trí trong thành phố, có giá trị cho 1 nhóm đến 5 người.Onsenbon nếu mua tại Conbini là 500yen, nhưng mua tại Coop với những bạn có thẻ coop sẽ được giảm giá 10%, còn 450yen nhé. Nói chung là siêu lãi vì tổng số vé miễn phí và giảm giá có giá trị đến hơn 6-7000yen. Ngoài ra ngày 26 hàng tháng là Onsen no Hi (ngày của Onsen), nên mọi onsen sang đều có giá 260yen thôi. Tuy nhiên giờ tắm có giới hạn, đến 5h chiều thì phải. Mùa đông sắp đến rồi, mọi người tranh thủ nghỉ dưỡng sau giờ học và baito nhé.
Trên đây là một số kỹ năng mà chị muốn lưu lại cho các em tham khảo. Các sempai khác có thêm thông tin gì thì bổ sung cho các bạn nữa nhé. Chúc các em một năm học mới thật vui và hiệu quả!
Bài viết: chị Huong Deli Do
Comments