Những điều cần lưu ý khi trở thành sinh viên APU
- vysaapu
- Sep 17, 2019
- 12 min read
Updated: Feb 20, 2020
Đầu năm học mới đã tới, mọi người đều đang bận rộn chọn môn, lên kế hoạch học tập, hoạt động ngoại khoá và với các em mới sang thì là ổn định cuộc sống và tìm hiểu về những tục lệ, phong cách sống tại Nhật. Việc phải nhắc nhở các em thì rõ ràng là chị không muốn, nhưng hôm nay Student Office có liên lạc với chị, lại là 1 vấn đề khá phổ biến trong cộng đồng chúng ta, và Student Office có nhờ chị, với mong muốn làm thế nào để tránh tình trạng Sempai đưa thông tin không chính xác tới Kouhai. Vậy chị trích lại thông tin bên dưới nhé.
1. Vấn đề bán lại vé xe bus cho nhau
“There is an issue we are currently dealing with where a more senior student sold their still-valid bus pass to a more junior student through the AP Share website. Someone saw the listing on AP Share and reported it to Oita Kotsu, who brought it to the attention of APU. As I'm sure you are aware, bus passes cannot be transferred or sold. This is against the rules of both Oita Kotsu as well as APU. In this case, both the students are from Vietnam. The junior student told us that the senior student said that this was okay because other students from their country as well as other countries do it all the time. Hopefully we can do something to break this chain of bad information. It's sad to see a student caught for something like this when they don't understand that they did something wrong."
Việc bán lại xe bus lẻ (như triple, double, hay vé cao tốc đi Fukuoka, Oita Airport…) thì không sao, vì đó là vé dùng 1 lần, không có ghi tên người dùng cụ thể. Tuy nhiên các loại vé tháng, vé năm, hay vé máy bay… có ghi tên người dùng thì tuyệt đối không thể bán lại cho nhau một cách đơn giản vậy được. Đặc biệt các bạn mua lại vé, tuy có thể rẻ được chút xíu, nhưng vé đó không mang tên mình, khả năng bị phát hiện là rất cao. Vậy các em đừng chỉ vì rẻ 1 chút là mang nguy hiểm về cho mình. Hãng vé phạt đã đành, kỷ luật của APU cũng hết sức nghiêm khắc, bao gồm cắt học bổng, huỷ kết quả học tập 1 kỳ, hay thậm chí có thể đuổi học.
2. Vấn đề cho/bán xe máy và bằng lái
Tương tự như trường hợp bên trên, đã có Sempai bán lại xe máy cho Kohai dù biết Kohai đó chưa có bằng lái tại Nhật. Kohai sau đó lái xe về nhà và bị cảnh sát bắt. Kohai cũng trình bày do nghe Sempai nói là “không sao đâu”, và bản thân đã có bằng lái, lái thành thạo ở VN rồi, mong được thông cảm... Dù lý do thế nào đi nữa, thì vẫn là phạm luật tại Nhật, và đương nhiên luật ở Nhật không lỏng lẻo như ở VN, sai là không được khoan nhượng dưới bất kỳ hình thức nào.
3. Vấn đề tham khảo quá sâu về việc chọn môn học:
Nhiều bạn hỏi ý kiến sempai về các môn học, nhưng không biết có bao nhiêu bạn đọc kỹ syllabus của thầy/cô, và liên lạc thẳng với thầy/cô để hỏi về nội dung môn học cũng như cách chấm điểm? Sempai có thể hướng dẫn qua, nhưng chị không ủng hộ việc hướng dẫn quá đà, như là khuyên “thầy, cô này dễ lắm, học là được A+”, dẫn đến có trường hợp cả lớp gần như chỉ toàn người VN, học vì điểm. Hay đối với kỳ thi xếp lớp tiếng Nhật cho sinh viên mới, nhiều anh chị khuyên các em cứ bỏ trống bài thi để được học từ đầu dễ lấy A+, mặc dù có thể nhiều em sinh viên mới đã bỏ nhiều thời gian học qua chương trình tiếng Nhật cơ bản rồi. Việc học lại này rất phí thời gian, phí tín chỉ, bởi nếu em được miễn trình độ tiếng Nhật cơ bản, em sẽ có thêm tín chỉ học các môn tự chọn khác có ích cho em hơn. Hãy nhớ mục tiêu ban đầu của các em khi học tại APU là học trong môi trường quốc tế để có thể giao lưu và học hỏi từ các bạn quốc tế; và học vì mình, vì kiến thức và kinh nghiệm chứ không phải học vì điểm. Chúng ta thường lên án cách học và làm việc vì thành tích khi còn ở VN, vậy khi sang đây, hãy tránh điều này.
Khi chị đi công tác cùng các thầy, các thầy có kể sinh viên nước nọ láu cá lắm, nhiều em tỏ ra mình chăm chỉ, nộp bài thật sớm trước deadline để lấy feedback của các thầy, nhưng các thầy phải cảnh giác, vì có thể em đó lấy bài của sinh viên các năm trước nộp, thầy nào chưa có kinh nghiệm, có thể bị lừa mà cho qua, sinh viên đó lại được tiếng là chăm; còn nếu bị thầy phát hiện ra và nhắc nhở, thì sinh viên cũng không lo trượt môn đó vì vẫn còn thời gian viết lại bài. Chị không dám chắc nước này có liên quan đến sinh viên nước mình không, vì các thầy có thể muốn nói tránh vì chị là người Việt Nam, nhưng khi các thầy đã kể chuyện, hẳn là các thầy muốn bằng một cách nào đó sinh viên phải hiểu rằng: không thể qua mắt các thầy, chỉ là các thầy thương, không muốn em phải chịu những kỷ luật hà khắc của trường, ảnh hưởng tới tương lai. Chị cũng biết điểm số hết sức quan trọng đối với việc xin thêm học bổng của chúng ta, nhưng công bằng mà nói, sinh viên Việt Nam đã được cho quá nhiều miễn giảm học phí rồi. Hãy nhớ rằng còn rất nhiều các nước đang phát triển khác, số sinh viên ít, chằng có mấy sempai mà hỏi, các bạn còn khó khăn hơn rất nhiều. Hãy tạo một môi trường cạnh tranh công bằng hơn cho các bạn đó. Đây cũng chính là một vấn đề đau đầu của nhà trường.
Về phía Sempai, hãy chỉ hướng dẫn vừa đủ, theo đúng luật chuẩn, vì các em cũng có thể phải chịu trách nhiệm khi đưa ra lời khuyên dễ dãi đấy; còn Kouhai, đừng gói gọn những hiểu biết của mình theo lời sempai, hãy tự trải nghiệm và tìm hiểu. Đại học chỉ là bước đệm cho cuộc sống thực của các em ngoài xã hội, và chị nghĩ rằng, khi bước ra khỏi ghế nhà trường, sẽ không có ai ở đó để chỉ dẫn từng bước, khi đi làm cũng không thể chọn sếp nào dễ dãi để công việc thuận lợi hơn đâu. Số sinh viên Việt Nam đang tăng nhanh, và chất lượng tuyển chọn cũng tốt hơn, nhưng hẳn mọi người đều biết, số người tăng thì việc quản lý cũng như số các vấn đề rắc rối cũng tăng theo. Vậy mong mọi người hãy tự ý thức về hành động của mình. Các em đã rất được ưu ái với mức học bổng cao, có thể nói là tốt nhất so với các nước khác nhập học tại APU, vậy mong chúng ta hãy cư xử sao cho xứng đáng, và cũng là có trách nhiệm đối với lớp đàn em của chúng ta nữa. Đừng vì thiếu hiểu biết hay dễ dãi với bản thân mà làm hỏng những ấn tượng tốt của nhà trường và người dân Beppu với sinh viên Việt Nam nhé.
4. Về vấn đề tài chính
Hãy lập ra kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý và cân bằng. Đa số các bạn mới sang, và nói chính xác ra thì bản thân chị khi còn là SV cũng hết sức tiết kiệm. Tuy nhiên, cái gì là đầu tư hợp lý cho cả 4 năm (như nồi cơm điện, tủ lạnh máy giặt, hoặc khi thuê nhà mới), hãy cố gắng đầu tư 1 chút. Đồ cũ xin lại nếu còn tốt thì tuyệt vời, nhưng nếu chẳng may bị hỏng thì vứt đi cũng khó vì ở Nhật cũng tốn kha khá tiền để xử lý rác máy móc kích cỡ lớn. Nhà các anh chị tốt nghiệp cho em vào ở nối tiếp, nếu tình trạng nhà sạch sẽ thì tuyệt vời, nhưng nếu đã xuống cấp nhiều, các anh chị đi vẫn còn để lại nhiều rác khó xử lý v.v… thì các em cũng nên suy nghĩ lại, vì “an cư thì mới lạc nghiệp”, hãy xác định nơi ở là nhà chứ không chỉ là chỗ trọ tạm thời, tổ chức cuộc sống tốt và vệ sinh, lành mạnh thì mới có sức khỏe, có tâm trí cho học hành. Nếu ngôi nhà sau ít lâu không còn sống được nữa, buộc phải chuyển ra thì cũng tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức đấy. Nên độc lập về tiền bạc ngay từ ban đầu, tránh vay mượn hoặc cho vay, cho mượn, vì nhiều khi số tiền không lớn nhưng nếu không sòng phẳng với nhau thì có thể mất đi tình bạn và uy tín của mình.Tiền mặt là vậy, nhưng trong trường hợp thẻ tín dụng thì lại càng nguy hiểm hơn, do những giao dịch qua tín dụng sẽ được ghi lại trong hệ thống của các ngân hàng, nếu vì một lý do nào đó mà không thanh tóan kịp thời, thẻ của em sẽ có thể bị khóa, bị lưu vào blacklist của các ngân hàng và mất quyền lợi sử dụng tín dụng trong 1 thời gian dài. Điều tương tự với nợ hóa đơn tiền điện thoại, điện, nước, gas, net…Khi liên quan đến tài chính, hãy đừng cả nể, mà có thể xin lỗi bạn là mình không thể giúp. Lý do an ninh cá nhân là lý do hoàn toàn chính đáng.
5. Về vấn đề thông tin cá nhân
Mạng xã hội như Facebook là nơi các em có thể chia sẻ những trải nghiệm với nhau, hay có thể là khoe khi vui mừng có COE, có visa, hay có thẻ sinh viên mới. Tuy nhiên mọi thông tin cá nhân nên được che đậy cẩn thận trước khi post lên mạng. Hoặc khi nhặt được đồ của người khác, nên mang cho Văn phòng Lost & Found của APU hoặc đồn cảnh sát, không được tự ý chụp ảnh có thông tin cá nhân của bạn khác rồi đưa lên Facebook với mong muốn người mất đồ có thể nhanh chóng tìm lại. Mặc dù ý đồ của các em có thể rất tốt, nhưng thông tin đã đưa lên mạng thì nhiều khi bị những người có ý đồ xấu lợi dụng. Có lẽ ở Nhật an toàn nên chưa ai gặp phải vấn đề gì, nhưng nếu ở Mỹ hay một nơi nào khác, việc tội phạm dễ dàng làm giả passport hay thẻ sinh viên (identity thief) để trà trộn khủng bố cũng khá phổ biến. Ngoài ra, các em có thể thấy mọi vấn đề với sinh viên, trường sẽ giải quyết theo kiểu liên hệ với từng cá nhân. Nếu bạn đó bị kỷ luật, chỉ mình bạn đó biết, và để răn đe các sinh viên khác, trường sẽ khái quát lại sự việc, nêu lỗi và hình phạt tương ứng, nhưng tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân theo kiểu “phê bình trước toàn trường trong giờ chào cờ”. Đó là cách bảo vệ tôn trọng và quyền cá nhân của người khác, và cũng là mở ra cơ hội cho người đó sửa chữa. Tương tự như vậy, trong cuộc sống hàng ngày, khi có khúc mắc gì với bạn khác, cách giải quyết tích cực là gặp trực tiếp và nói chuyện giữa những người liên quan. Nếu cảm thấy việc đó có thể khái quát thành việc chung để người khác tránh, hãy chia sẻ việc đó một cách khách quan, không nhất thiết phải chỉ trích cá nhân.
Đây cũng là kinh nghiệm riêng chị đã từng trải qua. Dù là sempai được mọi người tin tưởng, không phải mọi hành động của chị đều hoàn hảo, cũng có những lúc suy nghĩ quá đơn giản và sơ suất. Rất tiếc trong trường hợp của chị, chị không nhận được sự cảm thông của 1 nhóm bạn giấu mặt, lập account ảo trên FB, private message chẳng những không được trả lời mà còn bị đưa lên mạng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín cũng như tâm lý của chị. Sự việc xảy ra chị đã công khai giải thích và xin lỗi, nhưng cũng không được bỏ qua mà bạn đó còn lưu lại câu chuyện theo góc nhìn chủ quan trên FB của mình, dĩ nhiên cố tình không quote lại những lời giải thích của chị cũng như những ý kiến trái chiều của của các bạn khác. Rõ ràng, đây không phải là việc riêng của cá nhân bạn mà nó còn ảnh hưởng đến nhiều người khác, nếu bạn là người muốn công khai tìm lại công bằng cho xã hội, bạn phải chấp nhận và truyền tải hết những ý kiến trái chiều chứ không chỉ hướng người đọc theo ý kiến riêng. Xin lỗi bạn vì việc đã qua nhưng chị vẫn nhắc lại, vì chị có tên tuổi, có lỗi phải nhận, và có uy tín cần phải giữ gìn và gây dựng, còn bạn nặc danh, bạn không cần những giá trị đó. Rất may chị mau chóng vượt qua được nhờ vào sự thông cảm của những người biết rõ và hiểu chị qua một thời gian dài, những người đủ quan tâm để nghe từ 2 phía chứ không chỉ hùa theo một phía và đánh giá người khác qua 1 sự kiện.
Dù không dễ dàng gì nhưng chị cũng vẫn công khai cảm ơn nhóm bạn đó nhiều lần khi các bạn nói lên điều không bằng lòng, và qua sự việc đó, chị cũng hiểu ra nhiều điều trong cuộc sống, và có động lực đóng góp nhiều hơn, bù đắp cho những gì mình làm chưa đúng. Mong mọi người nếu gặp phải trường hợp tương tự hãy xử lý có tình người hơn. Và hãy đừng quá dễ dãi khi Add friend. Người muốn Add nên ít nhất giới thiệu mình là ai, còn người được Add hãy xác minh xem đó có thực sự là bạn của mình không, vì đó cũng là cách bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
6. Về việc tự tìm hiểu thông tin
Nhiều bạn có thói quen hỏi quanh chứ không trực tiếp tra ra nguồn thông tin, thói quen này không tốt cho cả cuộc sống cũng như trong học tập. “Nói có sách, mách có chứng”, tìm thông tin mà mình thấy tận mắt sẽ đáng tin và có cơ sở hơn là nghe truyền miệng. Kỹ năng sử dụng kết hợp thành thạo google search, google translate hay google map sẽ giúp cuộc sống các em dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy tập thói quen tự tìm thông tin trước khi đặt câu hỏi. Từ những vấn đề nhỏ như cách bảo quản thực phẩm, công thức nấu ăn, các kỹ năng life hacks trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề kỹ thuật máy tính, đặt mua hàng trên mạng, thông tin phục vụ học tập, thông tin du lịch … tất tần tật đều có thể google ra, vấn đề là có kiên trì đọc hay không thôi.
Về thông tin trong trường, vấn đề liên quan đến phương diện nào thì em liên lạc đúng với Văn phòng đó để được tư vấn trực tiếp. Mặc dù chị làm cho trường, nhưng chị cũng không thể biết chi tiết chuyên môn công việc của tất cả các office, nếu nhiệt tình muốn tư vấn cho em, chị cũng phải lục tìm thông tin giúp em. Nếu các em không thể tự tìm thông tin, thì ít nhât trước khi hỏi, các em hãy phân loại câu hỏi của mình và đặt câu hỏi đúng người đúng việc nhé. Các loại Handbook trường đã phát cho các em thông tin rất đầy đủ, có thể 1 lúc không đọc hết ngay được, nhưng ít nhất nên đọc qua mục lục, sau này nếu có vấn đề gì, có thể nhớ mang máng là hình như trong Handbook có đề cập tới, khi đó mang ra tra cứu là được. Handbook cũng có thể download trên trang web các văn phòng. Tuy nhiên phải thừa nhận là trang web của các Văn phòng tại APU chưa được tổ chức một cách hợp lý, thông tin tìm kiếm còn khó, nhưng thực tế nội dung rất đầy đủ.
Trang chủ của APU có cung cấp contact của các office trong trường: http://www.apu.ac.jp/home/contents/contact.html/
Đối với sinh viên đã tốt nghiệp, cần lấy giấy tờ từ trường, có thể làm theo hướng dẫn tại mục “How to Request Certificates / Transcripts” http://www.apu.ac.jp/home/alumni/
Ngoài ra việc check hòm mail cá nhân, hòm mail APU, Campus terminal là việc nên làm mỗi ngày vài lần. Nếu thấy check mail APU lích kích, có cách để forward toàn bộ mail từ hòm mail APU vào hòm mail em thường dùng nữa đấy.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi sống trong cộng đồng mà chị được biết. Chị mong các sempai, kouhai khác, nếu các em thấy có vấn đề gì cần lưu ý ngay, có thể đưa thêm thông tin qua comment cho mọi người cùng tham khảo. Đây không phải là “tố cáo” hay “nói xấu nhau”, mà là cùng thẳng thắn tự phê bình và rút kinh nghiệm. Mong mọi người ủng hộ.
Bài viết: chị Huong Deli Do
Comments