Kinh nghiệm khám, chữa bệnh tại Beppu và cách giữ gìn sức khoẻ
- vysaapu
- Sep 17, 2019
- 11 min read
Updated: Feb 18, 2020
Chúng mình đang tuổi còn trẻ, còn nhiều vấn đề phải lo, nhiều bài phải làm, thời gian phải chơi, ốm rồi ắt tự khỏi, chứ đi khám bệnh thì ngại bỏ xừ ấy nhỉ. Thế nhưng mà không phải bệnh gì cũng tự khỏi được đâu nhé, mà dù hắt hơi sổ mũi xoàng, nếu biết chữa đúng cách thì chỉ vài ngày là khỏi, đừng để dây dưa mà thành mãn tính nhé. Chị tuy may mắn sức khỏe tốt, nhưng trong suốt hơn 9 năm ở đây, cũng đã vài lần đi qua một số phòng khám rồi, cộng với nghe kinh nghiệm của người khác, chị tổng kết trong note này để các em tham khảo. Ai có kinh nghiệm nào khác cứ chia sẻ nhé ^^
I. Có bệnh thì phải hỏi
Khi sức khỏe có vấn đề thì nơi đầu tiên các em nên nghĩ đến là clinic của trường mình. Ở đó các cô y tá rất dễ chịu và quan tâm đến sinh viên. Các em nên đến hỏi, nói rõ tình hình bệnh và khu mình sống, các cô có thể giúp em đặt lịch hẹn với clinic gần nhất (hoặc nơi nào có nói tiếng Anh nếu em yêu cầu). Nhưng chị nghĩ ở Beppu thì có ít nơi nói tiếng Anh nên các em cứ mạnh dạn đi các clinic, bệnh viện dùng tiếng Nhật để giao tiếp, rủ thêm bạn nào có thể nói tiếng Nhật đi cùng là cũng ổn phải không nào?
Tuy nhiên nhược điểm là phòng clinic của trường có giờ làm chứ ko phải 24/24 nên nếu có vấn đề nên lựa thời gian hỏi sớm, đừng để đến lúc không chịu nổi mới lo nhé. Ngoài ra có thể hỏi các sempai hay các bạn Nhật để được giúp đỡ.
Clinic của trường còn có thêm cả Counseling room tư vấn giải tỏa tâm lý cho SV mà không phải ai cũng biết. Các em tham khảo nhé: http://admissions.apu.ac.jp/student_life/health.html
Ngoài việc bảo hiểm chi trả 70% chi phí khám chữa bệnh cho các em thì một điều tuyệt vời khi chữa tại Nhật là các bệnh viện, clinic rất vắng, gần như mình đến là được khám luôn, hoặc cùng lắm chờ 1-2 người, và y tá, bác sỹ thì rất dịu dàng. Dù em không hiểu hết tiếng Nhật, nhưng cứ yên tâm là được chăm sóc chu đáo.
II. Bệnh đâu chữa đó
1. Các tật ở mắt:
Đa số các em bây giờ đều bị cận nên lời khuyên là nên mang theo 2 kính khi sang đây, phòng khi bị mất hay gãy 1 kính, và cũng có thể mua áp tròng mang theo. Ở Beppu có nhiều hàng kính, nhưng trước đây chị hay ra Minato Eye clinic (ở bến xe Minami Suga Iriguchi, gần đối diện Off House). Họ sẽ khám mắt, từ đó làm kính gọng hoặc áp tròng. Áp tròng cũng có loại cứng (hard lens), tuy đắt nhưng dùng được lâu dài, nhưng nghe nói dễ gây tổn thương mắt hơn cả. Loại mềm (soft lens) có nhiều thời hạn sử dụng, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng… Thường ít khi thấy có loại dùng lâu đến nửa năm hay 1 năm vì soft lens khó bảo quản và dễ nhiễm khuẩn, không nên dùng quá lâu như thế. Tuy nhiên chị nghĩ ngoài lúc cần mặc đẹp, lên sân khấu, hay một dịp nào đó đặc biệt thì hãy dùng áp tròng (chị thường dùng loại 1 ngày), còn thường ngày chịu khó đeo kính, đỡ hại mắt hơn. Ngày xưa chị cận 8 độ rưỡi vẫn rước 2 cái đít chai đi học vì sợ bị sẹo giác mạc, về sau không lasik được. Từ ngày lasik xong, mất 1 tháng, sáng nào dậy cũng quờ tay tìm kính, thỉnh thoảng theo thói quen vẫn đưa tay lên nâng gọng kính, không thấy kính đâu mới thấy thật là thần kỳ. Nếu bạn nào nghĩ đến làm Lasik ở Nhật thì nghe nói Minato clinic cũng làm. Bản thân chị thì làm ở Kobe-Kanagawa clinic, có 1 trụ sở ở Fukuoka. Các nhân viên khác của APU cũng đều làm ở đây và giới thiệu cho chị, tuy đắt nhưng có hỗ trợ tiếng Anh và dịch vụ không thể chê được điều gì. Bạn nào quan tâm có thể tham khảo ở đây: http://www.kobe-kanagawa.jp/english/
2. Cảm lạnh, viêm họng, sổ mũi: Với bệnh này, nếu bản thân không sốt và bệnh không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày thì các em có thể tự mua thuốc trị cảm ở Cosmos, Nozaki, Max Valu, Mori hoặc hiệu thuốc. Thuốc của Nhật chị thấy rất hiệu quả, chỉ 2-3 ngày là khỏi hoàn toàn. Ngoài ra có thể mua thêm thuốc xịt dạng sương để xịt mũi, hay dạng siro xịt họng, dùng đúng liều lượng là các triệu chứng giảm rất nhanh. Kết hợp với giữ ấm, uống nhiều nước, ngậm kẹo giữ cho họng luôn ẩm, vệ sinh cơ thể hàng ngày để loại bỏ độc tố bài tiết qua da (nếu không tắm thì có thể lau người nước ấm) là sẽ chóng khỏi. Đeo khẩu trang để tránh gieo rắc vi trùng cho người khác và giữ ấm cho mình. Tuy nhiên nếu kèm sốt cao hoặc lâu khỏi thì các em rất nên đi khám, vì đó có thể là bệnh khác, như sốt siêu vi trùng, influenza dễ gây truyền nhiễm. Có rất nhiều clinic trong thành phố, các em nên để ý xem gần nhà mình có chỗ nào để khi cần là đi được luôn nhé.
3. Dị ứng: Khi bị dị ứng thì tốt nhất là nên tìm hiểu rõ nguyên nhân xem mình bị dị ứng với cái gì để còn tránh về sau, hay chữa như thế nào. Nếu chỉ uống 1 viên thuốc dị ứng mang từ nhà theo thì chị nghĩ đó chỉ là phương pháp tạm thời, đối phó tại thời điểm đó. Em có thể xuống APU clinic nhờ tìm chỗ xét nghiệm, 1 anh trong office chị đã đi làm, mất vài nghìn yên, trích 1 giọt máu ở đầu ngón tay, nhưng chỉ vài phút sau là người ta cho cả list mức độ phản ứng của mình với các tác nhân khác nhau (như bụi, thực phẩm, chó, mèo, phấn hoa…) Kết luận lại anh đó bị dị ứng…cây thông. Recommend Miyoshi clinic vì có tiếng Anh (từ dốc Hirose Home Center rồi đi mãi tiếp lên dốc): http://www.miyoshi-clinic.jp/
4. Bệnh truyền nhiễm như Thủy đậu: Sau một lần về VN, chị bị lây của đứa cháu và sang Nhật mới phát bệnh, mụn nước đầy người. Nhật Bản đã xóa sổ thủy đậu nên họ rất ngạc nhiên khi thấy chị bị, và các bệnh này bị khi đã là người lớn sẽ nguy hiểm hơn khi còn là trẻ con. Có nhiều bệnh viện chữa bệnh truyền nhiễm, hồi đó chị đi BV Nishi Beppu Byoin. Khám rất nhanh, được cho thuốc và về nhà nghỉ vài ngày. Ở VN thông thường bị thủy đậu thì phải hàng tuần mới hết, phải kiêng gió, kiêng nước triệt để, nhưng bên này thì không, họ bảo vẫn sinh hoạt bình thường, và đặc biệt cần vệ sinh cơ thể, chỉ có điều nhẹ tay để khỏi tổn thương da. Thuốc bôi cũng trong veo chứ không xanh lè như ở VN nên cũng thấy mình đỡ xấu xí :D Chỉ 3 ngày sau khám là chị đã khỏe lại và hết tuần là các vết mụn cũng biến hết ^^
5. Bệnh răng miệng: Được cái răng mình tốt nên cứ trèo lên bàn khám răng là bác sỹ bảo trèo xuống, nhưng thôi cũng thu thập thông tin về nhổ răng khôn để nhỡ về sau răng khôn mình có mọc mà cần xử lý thì làm sớm ^^. Túm lại là, gần nhà chị có cái Dental clinic tên là Ebitani. Anh nhà chị cần nhổ răng khôn, thì ko phải như ở VN, đến là họ nhổ cái roạch, mà ở đây họ sẽ làm sạch toàn bộ hàm răng, chụp Xquang tìm hết các điểm cần xử lý, tư vấn và nếu thật sự cần nhổ, họ sẽ giết tuỷ hoàn toàn rồi mới nhổ. Quá trình giết tủy cũng phải 3-4 tuần, chừng nào còn đau thì tức là còn tủy, không nhổ vì có thể ảnh hưởng các dây thần kinh trên mặt. Một tuần đi khám 1 lần, mỗi lần cho thuốc giết tủy và làm sạch răng như vậy chỉ mất vài trăm yên, đến khi thực sự nhổ cái răng thì mất khoảng 1 man (đó là sau khi bảo hiểm đã trả cho 70%). Nhổ xong họ sẽ tư vấn tiếp về tình hình các răng khác, ví dụ cái nào có nguy cơ sâu răng, nên xử lý sớm, thì tùy điều kiện của em có thể tiếp tục hàng tuần lại đến chữa, hoặc lúc khác quay lại sau :P Tuy hơi mất thời gian đi lại nhiều nhưng cũng là điều tốt khi họ tạo cho mình thói quen thường xuyên đến clinic kiểm tra sức khỏe răng miệng.
6. Bệnh đường tiêu hóa, tiết niệu Ở Mochigahama, ngay sát vách hàng thuốc máy bay ông già có 1 clinic chuyên các bệnh này (và còn rất nhiều nơi khác, em có thể tham khảo thêm từ trường). Thường bị các bệnh này các em sẽ ngượng và ngại đi khám hơn là các bệnh thường gặp khác, nhưng mà chả có vấn đề gì đâu. Không có quy tắc nào là bệnh chỗ nào là bác sỹ phải khám trực tiếp bộ phận đó đâu. Các bệnh như ngộ độc tiêu chảy, viêm bàng quang… là các bệnh cấp tính, tức là một tiếng trước chả làm sao, bỗng dưng 1 tiếng sau là phát bệnh dồn dập, bê xê lết, nên nếu có dấu hiệu nên khám chữa ngay. Nếu đúng bệnh đúng thuốc thì bệnh cũng sẽ khỏi rất nhanh như khi nó đến ^^
7. Bệnh của chị em chúng mình :D Cách Beppu Station West exit 5 phút đi bộ có Iwanaga Ladies Clinic. Chỗ này cực đẹp, dễ chịu như 1 quán cafe sang, và có hỗ trợ tếng Anh từ đầu đến cuối. Chị em có vấn đề gì thì yên tâm đến đây nhé! Nên đặt trước vì clinic sẽ ưu tiên người có hẹn khám trước, và có thể đặt hẹn bằng cách gọi điện thoại hoặc qua trang web: http://www.iwanaga-ladiesclinic.gr.jp/
8. Các bệnh về da liễu
Từ Beppu Station West Exit đi lên chừng 5 phút, bên tay trái sẽ có さとう皮膚科 (Satou Hifuka) là clinic chuyên khám các bệnh về da như dị ứng, mề đay, mụn… Tuy nhiên phòng khám này rất đông, thường đến muộn sẽ phải chờ lâu nên các bạn ráng sắp xếp giờ giấc nhé! Ngoài ra, trên đường Ekimae Honmachi cũng có Beppu Eki Clinic, là phòng khám chuyên môn về các vấn đề thẩm mỹ như mụn, xoá sẹo, vết thâm, v.v. nhưng nếu bạn có vấn đề nào khác thì cũng có thể đến đây để được tư vấn vì bác sĩ chính ở đây nói được tiếng Anh.
III. Phòng bệnh hơn chữa bệnh Có nhiều cách để nâng cao sức khỏe và tự chăm sóc bản thân mình. Chỉ cần chú ý một chút hàng ngày là sức khỏe sẽ được nâng cao đáng kể đấy. - Ăn đủ chất. Nên tự nấu ăn vì chẳng những rẻ hơn nhiều, mà còn có thể cân bằng các loại thực phẩm và kiểm soát lượng calories, muối và dầu mỡ nạp vào người tốt hơn. Phải ăn đầy đủ rau quả và chất đạm, hạn chế tinh bột, đường, mỡ, muối nhé. Không được kêu đồ ăn đắt mà ăn uống kham khổ, chỉ cơm trắng trộn mayonnaise đâu nhé, đến lúc bệnh ra thì tiền thuốc thang tốn hơn tiền đồ ăn nhiều. Thay vào đó, các em có thể tranh thủ lúc giảm giá hoặc mua số lượng lớn, mua rau ở các hàng rau ông bà nông dân thay cho siêu thị, về nhà sơ chế, bảo quản ngăn mát hay ngăn đá tủ lạnh tùy loại, sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều, và trong nhà lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn. Mua nhiều đồ cất tủ lạnh cũng là cách buộc phải tự nấu nhiều hơn chứ ko lười mà ra hàng ăn nhé, vì đơn giản là ko nấu đồ sẽ hỏng :D - Không ăn vặt. Bạn nào tập gym có thể biết 5 phút đạp xe nhừ chân mới tiêu hết 1 cái kẹo, hay 30 phút chạy 10km/h mới bằng 1 miếng bánh ngọt. Hãy tập đi để có động lực thấy đồ ăn vặt là ngoảnh mặt! - Uống nhiều nước: tập thói quen uống ngay cả khi không khát. Và uống nước hoặc trà loãng, hoặc sữa (nhưng chú ý lượng calories). Chị không coi nước ngọt có ga là nước giải khát vì có quá nhiều calories và vị nhân tạo trong đó. - Vệ sinh cơ thể hàng ngày dù mùa đông hay mùa hè. Nhiều bạn lười tắm mùa đông vì sợ lạnh nhưng nên nhớ là chúng ta rất may mắn khi đang ở nơi nhiều suối khoáng nóng thứ 2 trên toàn thế giới đấy nhé. - Mặc phù hợp với thời tiết. Nhiều bạn chủ quan, nhất là trong mùa đông vì “Thời trang đánh tan thời tiết” mà, nhưng thời tiết cũng không phải tay vừa đâu, sẽ trả thù vào sức khỏe đấy. - Chăm sóc da: kem dưỡng da bôi hàng ngày, mùa hanh khô có thể 2-3 lần/ngày, son dưỡng môi nữa. Rất đơn giản và chỉ mất vài ba phút mỗi ngày nhưng nếu lười là môi nứt, da bong tróc, đau và mẩn ngứa, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đâu. - Tập thể thao, tập gym đều đặn. Bản thân chị là người siêu siêu siêu ghét thể thao, nhưng bây giờ tuần ko đi tập 4 buổi là ko chịu được. Bí quyết đơn giản chỉ là đặt mục tiêu cho mình thật thấp, mỗi tuần lên chút xíu để lúc nào cũng thấy đạt được cái gì đó và vẫn còn cái để phấn đấu thêm. Ví dụ tập chạy, ban đầu em có thể đi bộ 4 phút chạy 1 phút, lặp đi lặp lại 6 lần (tổng 30 phút), tuần tập 2-3 lần. Tuần sau đấy đi bộ 3 phút chạy 2 phút, tuần sau đấy nữa nâng vận tốc đi bộ và chạy lên chút xíu, nhưng vẫn là 3 phút đi bộ 2 phút chạy… cứ liên tục như thế, nâng dần thời gian chạy, vận tốc, độ dốc, chứ cũng ko cần cao siêu gì mà hiệu quả khá rõ đấy ^^ - Đi du lịch: Nhiều bạn nói đi du lịch tốn kém, nhưng đi 1 ngày học 1 sàng khôn, vì thế không nên tiếc. Nếu ngồi nhà mà buồn chán, đi shopping hay mua đồ về làm bánh ngọt, rồi nằm ăn quà vặt thả ga thì có khi cũng tốn chẳng kém gì đâu :D Đi du lịch cũng là động lực cho các ngày khác cố gắng hoàn thành bài tập, công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn. - Cân bằng thời gian biểu: bạn nào nói em bận học, bận câu lạc bộ quá, không thể tự nấu ăn, đi tập hay đi du lịch được thì chị nghĩ là em chưa biết cân bằng. Em coi trọng việc học và việc sinh hoạt ngoại khóa nhưng lại quên mất chăm sóc bản thân đấy nhé.
Túm lại, lý thuyết quá dài, và tự kiểm điểm là chị cũng ko làm được hết những gì chị nói, nhưng chị nghĩ, làm được 70-80% những điều trên, lâu lâu phá lệ tí nhưng không sa đà là đã có cuộc sống healthy lắm rồi. Chúc các em luôn khỏe và sống một cách hiệu quả nhé ^^
Bài viết: chị Huong Deli Do (với một số bổ sung của VYSA)
Comments