top of page

Trở thành "Rờ-A" - "đường lên tiên cảnh" AP House

  • vysaapu
  • Oct 6, 2021
  • 8 min read

Ngoài vị trí trợ giảng (TA - Teaching Assistant), RA (Resident Assistant) cũng là một trong những công việc tại APU được nhiều bạn sinh viên nhắm tới. Để hiểu thêm về quá trình cũng như một số trải nghiệm về vai trò này, hãy cùng VYSA APU trò chuyện cùng bạn Ngọc Linh (sinh viên APM năm 2 kỳ 3), RA AP House vào kỳ thu tới ngay dưới đây nhé!



Q: Chào Linh, bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân được không?


A: Mình tên là Linh, hiện đang là sinh viên năm 2 tại APU. Mình thích vẽ, thích đọc sách và lâu lâu lại đi lang thang một mình nên lỡ có gặp mình đâu đó ngoài biển hay trong rừng thì cũng đừng ngạc nhiên nhé :”>



Q: Cơ duyên nào đã dẫn bạn đến với vị trí quản tầng tại AP House vậy nhỉ?


A: Trước khi nộp đơn vào APU, mình đã tìm hiểu khá kỹ về các clb, hội nhóm cũng như tổ chức sinh viên ở APU. Mình đã đọc được về RA trên website của VP APU VN cũng như trang thông tin của trường. Lúc đầu mình cũng tò mò không biết công việc và vai trò của RA là gì, vì khái niệm này khá là mới lạ đối với mình (một con người chưa từng có trải nghiệm ở nội trú hay ở kí túc xá của trường). Sau khi sang Nhật, mình đã có cơ hội hiểu rõ hơn về RA khi sống tại AP House. Bản thân mình thấy trở thành RA sẽ giúp mình phát triển những kỹ năng sống cần thiết cũng như làm quen được với nhiều bạn mới, thế nên mình đã quyết định nộp đơn ứng tuyển.


Một lý do khác là chị RA của tầng mình lúc đó cực kì dễ thương và tích cực. Nếu việc tìm hiểu về công việc của RA giúp mình mường tượng được quá trình trưởng thành của bản thân qua trải nghiệm làm RA thì sự tích cực của chị khiến mình cảm nhận được niềm vui và sự thân thiện của AP House. Có thể nói chị là người đã cho mình một trải nghiệm, một ấn tượng đầu tiên rất rất tốt về RA :)))



Q: Mọi người thường nói là AP House ở trên núi nên khá bất tiện, còn Linh cảm thấy như thế nào? Điều gì đã khiến Linh yêu thích ở AP House để khiến Linh quay lại với một vai trò mới?


A: Việc AP House 1 và 2 được xây trên núi cũng là một điều khiến nhiều bạn không mặn mà với việc nộp đơn cho RA, nhưng các bạn vẫn có cơ hội được phân xuống AP House 4 (ở ngay dưới thành phố, khu Matogahama). Hiện tại, trừ AP House 3 thì các House còn lại đều có hệ thống RA.


Đối với mình, ở đâu cũng có cái vui cả. Khi mình ở dưới thành phố, mỗi ngày mình được đón gió biển (vì phòng mình có cửa sổ nhìn ra biển), được nghe tiếng phà đi Osaka, thỉnh thoảng lại ra biển chơi với bạn. Lâu lâu mọi người lại rủ nhau nấu nướng hoặc đi đâu đó ăn uống, nhưng nhiều hơn cả là những cuộc đi siêu thị vào buổi tối :) Khi trở lại House thì không còn nhiều chuyến siêu thị như thế nữa, nhưng vẫn có thứ khiến mình cảm thấy vui khi sống ở đây. Mình có thể ra Wave ăn kem rồi ngồi tới tối nhìn Beppu lên đèn, hoặc đi dọc campus vào những ngày trời nhiều sương, thỉnh thoảng lại leo lên Beppu wan chơi. Mình nghĩ nếu nhìn vào mặt tích cực và tìm những hoạt động phù hợp với tính cách và sở thích của bản thân thì dù ở chỗ nào mình cũng cảm thấy vui vẻ.


Về lý do khiến mình yêu thích AP House, có thể nói là tương tự với lý do mình muốn trở thành RA. Ngoài ra, khi mình ở House thì các bạn cùng tầng cũng rất dễ thương và hòa đồng. Tầng mình vui đến mức bạn mình sang chơi và không muốn về nữa :”> Chung quy là do ảnh hưởng tích cực của môi trường và con người khiến mình cảm thấy yêu thích và muốn quay lại AP House.



Q: Quy trình apply làm RA gồm những bước hay yêu cầu nào Linh nhỉ?


A: Mỗi năm, AP House Office (APHO) sẽ tổ chức 2 đợt tuyển RA mới và xét gia hạn nhiệm kỳ của RA đương nhiệm. Nhiệm kỳ của một RA bắt đầu từ học kỳ tiếp theo của đợt tuyển (nếu bạn nộp đơn kỳ mùa thu thì nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ kỳ mùa xuân) và kéo dài 1 năm. RA sau khi hoàn thành nhiệm kỳ 1 năm có thể nộp đơn xin gia hạn. Quy trình xét tuyển tương tự với hầu hết các tổ chức sinh viên khác của APU, bao gồm vòng đơn và vòng phỏng vấn. Theo mình biết thì trước đây hình thức xét tuyển khác với hiện tại. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, quy trình đã được thay đổi từ đợt mình đăng ký, nên mình không rõ về quy trình trước đây cũng như những thay đổi trong đợt xét tuyển sắp tới. Nếu bạn quan tâm và muốn biết thêm thông tin cũng như không bỏ lỡ đợt mở đơn của RA thì hãy thường xuyên kiểm tra thông báo trên Campus Terminal nhé!


Khác với một số tổ chức khác của APU, người phỏng vấn và đánh giá bạn khi nộp đơn cho RA là AP House Office. Theo cảm nhận của mình, họ đọc hồ sơ cũng như câu trả lời (phần viết) của bạn khá kỹ, thế nên trước khi vào phỏng vấn, hãy đọc lại bài viết của mình và chuẩn bị tinh thần cho những câu hỏi chi tiết.



Q: Quản tầng yêu cầu sự tương tác cao với sinh viên quốc tế và các sinh viên người Nhật, các bạn cần đạt tới trình độ tiếng Nhật nào để trở thành RA?


A: Thực ra mình cũng không rõ cách các cô chú bên AP House Office đánh giá các ứng viên, đặc biệt là về tiếng Nhật. Bản thân mình không giỏi tiếng Nhật, khi phỏng vấn với AP House Office mình cũng chỉ được yêu cầu giới thiệu vắn tắt bằng tiếng Nhật, vậy nên mình nghĩ bạn không cần giỏi tiếng Nhật để nộp đơn. Tuy vậy, trong quá trình làm việc thì tiếng Nhật là ngôn ngữ được sử dụng nhiều hơn, nhất là trong thời điểm hiện tại khi sinh viên quốc tế chưa thể sang Nhật thì hầu hết sinh viên ở House là người Nhật. Vì vậy, chuẩn bị cho mình một vốn tiếng Nhật tốt là một điều rất cần thiết.



Q: Nhiều người cho rằng RA là một vị trí rất mệt mỏi và khó khăn, liệu Linh có bao giờ cảm thấy lo sợ khi apply vào vai trò này hay không?


A: Không. Mình nghĩ môi trường sẽ thay đổi tùy theo vị trí của mình nên có thể cảm nhận của mình khi trực tiếp trải nghiệm sẽ khác với khi mình là người quan sát, vì vậy mình hầu như không bị sốc/ bất ngờ/ thất vọng/ lo sợ gì cả :)



Q: Khi trở thành RA rồi, có điều gì đặc biệt cần lưu ý không Linh nhỉ?


A: Theo mình thấy thì mỗi tổ chức đều sẽ có những quy định riêng tùy theo tính chất công việc và hình tượng mà mỗi tổ chức hướng tới. Vì RA là đại diện của AP House trong mắt sinh viên nên việc tuân thủ luật lệ của House là một điều rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi RA cũng phải chú ý đến hình tượng của mình ngoài đời và trên mạng xã hội. Khi trở thành RA, mọi người sẽ được nhắc nhở về những điều cần chú ý khi trở thành RA trong đợt tập huấn nên nếu muốn biết thêm thì hãy đăng ký và cố gắng đậu nhé!



Q: Linh có kỷ niệm đáng nhớ nào khi trở thành RA chưa?


A: Trong tháng đầu tiên, hầu như ngày nào mình cũng được nhận bánh kẹo từ các bạn tầng mình/các RA khác :”> mọi người rất dễ thương và mình thì dễ mập :)



Q: Linh đã làm quen với các bạn residence của tầng Linh và RA người Nhật chung tầng như thế nào?


A: Mình và bạn RA người Nhật gặp nhau lần đầu trong buổi giao ban với RA tiền nhiệm. Sau đó tụi mình có nhiều lần làm việc chung, gần đây nhất là về Floor Party cho các bạn tân sinh viên. Mặc dù thời gian chưa đủ lâu nhưng tụi mình đã phần nào khá ăn ý trong công việc. Điều này xuất phát từ sự cố gắng của cả hai bên. Chẳng hạn như khi trao đổi một vấn đề, tụi mình sẽ cố gắng nói/viết bằng cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh để cho cả hai cùng hiểu, hoặc tụi mình thường chia nhau ra nhận việc nếu phù hợp với thời gian biểu của bản thân và cũng để phân công được đều hơn.


Về phần các thành viên tầng mình, vì năm học mới chưa bắt đầu (tháng 10) nên hiện tại các bạn đều đã về nhà và chưa quay lại House, thế nên có nhiều bạn mình chưa được làm quen. Lúc vừa chuyển vào, mình hay ra bếp nấu nướng, tiện thể bắt chuyện với các bạn luôn. Theo mình thấy thì để làm quen với mọi người, mình cứ trò chuyện về những chủ đề gần gũi thôi. Chẳng hạn như sau khi vừa chọn môn xong, mình ra ngoài nấu cơm trưa thì gặp các bạn khác, thế là tụi mình nói chuyện với nhau về các môn học, lớp học kì tới. Mình nghĩ những cuộc trò chuyện nhỏ đó giúp ích rất nhiều cho việc kết thân với mọi người.



Q: Khi Linh trở thành RA thì góc nhìn của Linh về AP House và công việc của RA có gì khác khi là resident?


A: Mình đã từng nghĩ RA giống như các tổ chức sinh viên khác, nhưng sự thực là RA có cơ cấu và cách vận hành phức tạp hơn một chút. Khi mọi người nghĩ đến RA thì sẽ lập tức liên tưởng đến Kitchen Duty, đến Health Check Survey mỗi sáng và đôi khi là những buổi họp tầng. Nhưng ngoài những việc trên ra, tụi mình còn tổ chức các buổi pick-up cho tân sinh viên, các hoạt động như House Event hay cuộc thi nấu ăn,... Ngoài ra, RA còn hoạt động như cầu nối giữa AP House Office và sinh viên.


Tụi mình có trách nhiệm quản lý mỗi tầng theo quy định của House và ngược lại, tụi mình cũng phải báo cáo những vấn đề xảy ra với Office để có hướng giải quyết kịp thời. RA còn đóng vai trò hướng dẫn cho các bạn sinh viên ở House, đặc biệt là các bạn sinh viên quốc tế, để giúp các bạn mau chóng hòa nhập với cuộc sống ở đây. Bản thân mình khi vừa sang Nhật cũng nhiều lần cảm thấy rối rắm vì chưa quen, thế nên mình đã hỏi chị RA của mình rất nhiều. Vậy nên theo mình nghĩ, trở thành RA đã giúp mình có một cái nhìn rõ hơn về cách làm việc của AP House và RA.



Q: Linh có muốn gửi gắm lời khuyên đến các bạn có mong muốn hoặc sắp apply thành RA kỳ sắp tới hay không?


A:Bình tĩnh, tự tin, quyết thắng!

Nếu các bạn muốn trở thành RA, hoặc muốn thử xem mình hợp với môi trường nào và bản thân mình có thể thay đổi như thế nào trong tương lai thì đừng ngần ngại gì mà chuẩn bị nộp đơn nhé. Một lá đơn chỉ cần 15’ (hoặc 1h) để điền, một buổi phỏng vấn chỉ tốn của bạn 45’ - 1h thôi nhưng có thể bạn sẽ học được rất nhiều từ đó, và không chừng bạn lại được thêm 1 năm trải nghiệm nữa thì sao ^^



VYSA APU mong rằng phần chia sẻ của Ngọc Linh đã gửi đến bạn nhiều thông tin bổ ích cũng như động lực để thử thách bản thân ở vị trí RA. Dù yêu cầu trách nhiệm, công sức và thời gian tương đối nhiều, tụi mình tin rằng đây cũng là một công việc rất đáng trải nghiệm trong 4 năm học ở APU đó!


Bài viết bởi Cú in Beppu


Коментари


bottom of page