Trải nghiệm làm RA - Nếu như được lựa chọn lại, thì…
- vysaapu
- Oct 10, 2021
- 8 min read
“Nếu được lựa chọn lại, thì tui vẫn chọn trở thành RA!” - câu trả lời từ Hoàng Anh, một sinh viên năm 3 khoa APM đã gắn bó với công việc Residence Assistant (RA) được hơn nửa năm khiến chúng mình càng tò mò hơn về sức hút của công việc này. Hãy cùng chúng mình đọc bài viết này để tìm hiểu thêm về công việc RA cũng như trải nghiệm của Hoàng Anh trong khoảng thời gian vừa qua các bạn nhé!

Q: Ấn tượng của Hoàng Anh về ngày đầu tiên khi trở thành Resident Assistant (RA)?
A: Thật ra ký ức về ngày đầu tiên của tui cũng không còn rõ ràng nữa, nhưng mà ngay sau khi trở thành một Resident Assistant (RA), tui nhận ra được một điều là đây không phải là một công việc đơn giản như mọi người thường nghĩ: công việc chỉ có Kitchen Duty và quan sát các resident mà vẫn được miễn phí tiền ở AP House hàng tháng. Làm RA cần nhiều sự nỗ lực và có nhiều thứ phải học và nhớ. Chẳng hạn như những buổi training cho RA mới thường kéo dài cả một ngày từ sáng đến chiều, thật sự là có rất nhiều điều phải ghi nhớ luôn.
Thêm một bật mí nho nhỏ nữa là để làm quen hết các công việc của RA thì tui cần khoảng một kỳ học, vì những task thường được chia đều ra vào các tháng. Có những task tui đã được làm rồi nhưng sau một khoảng thời gian tui có khi sẽ quên cách làm vì thực ra chỉ từng làm có 1-2 lần thôi à. Những lúc như thế thì phải tự đọc hướng dẫn và xem lại mình nên làm thế nào.
Q: Đối với một RA thì những lúc nào là bận rộn nhất? Cách để Hoàng Anh cân bằng cuộc sống cá nhân, việc học tập và việc làm RA?
A: Kỳ trước thì ngoài các môn major thì tui còn take thêm cả Advanced Japanese nên tui rất bận. Nói về cân bằng cuộc sống, việc học và việc làm RA hả? Câu hỏi này khó ghê vì đến bây giờ tui vẫn chưa hoàn toàn cân bằng được mọi thứ mà (cười). Tuy nhiên, sau khoảng thời gian bận rộn, tui đã tự nghĩ lại và thấy mindset sử dụng thời gian của bản thân chưa đúng, cố tìm cách thay đổi và chấp nhận làm khác đi xem hiệu quả thế nào. Hiện giờ, tui có một cách để tập cân bằng cuộc sống cũng như quản lý thời gian đó là: Không để bản thân lãng phí thời gian vào những thứ mà dễ “gây nghiện” như xem Youtube, xem Tiktok, etc. Có một thú vui tiêu khiển sau khi học tập và làm việc không phải là xấu, nhưng tui nghĩ không nên “sa ngã” vào nó.
Theo tui nghĩ, quản lý thời gian của tui không phải là sắp xếp thời gian cố định cho mọi việc trong ngày và làm theo, mà quản lý thời gian là khiến việc nghỉ ngơi của mình có được hiệu quả. Trước khi nghỉ ngơi thì mọi người nên biết rõ mình sẽ nghỉ trong bao lâu rồi lựa chọn những việc nên làm. Ví dụ nha, nếu tui có 1 tiếng rưỡi trước meeting của các RA thì tui sẽ ăn tối, rửa chén và nếu còn thời gian thì đi tắm. Trong lúc ăn tối thì có thể lên Youtube xem mấy video ngắn ngắn về idol chẳng hạn. Còn khi tui chỉ có 10 phút để nghỉ, tui sẽ đi rửa mặt nếu buồn ngủ, pha một ly cà phê để uống, hoặc xem email, etc. Nghỉ ngơi phù hợp sẽ giúp lấy lại năng lượng, còn chứ nghỉ ngơi mà sai cách thì có nghỉ bao nhiêu tiếng thì tui thấy không bao giờ là đủ cả.
Q: Trong thời điểm dịch Covid-19, những hoạt động được tổ chức bởi các RA vẫn diễn ra như thường lệ hay có gì đổi mới không?
A: Đương nhiên là có thay đổi rồi. Trong thời điểm dễ xảy ra những tình huống bất ngờ như này thì mỗi RA thì đều phải có khả năng thích nghi. Nếu tình trạng khẩn cấp tăng mức độ lên thì những event có thể chuyển sang làm online hoặc là số người tham dự của event phải giảm xuống. Mỗi event lúc được tiến hành thì đều bao gồm nhiều thứ phải lo, mà trong lúc có nhiều sự đổi thay bất ngờ như bây giờ thì thông tin rất dễ bị nhiễu nên là các RA đều quan trọng “communication” - giao tiếp rõ ràng và mạch lạc. Những hôm có Floor Meeting diễn ra online, tui đều cùng bạn RA cùng tầng trao đổi và phân công rõ ràng việc mà mỗi người sẽ phụ trách.
Q: Các RA làm thế nào để có thể đảm bảo thông tin giữa các tầng và các khu?
A: Vì tui cũng phải bảo mật thông tin nên tui chỉ có thể chia sẻ ngắn gọn về vấn đề này thôi. Tui thấy cách mà RA tụi tui làm để chắc chắn thông tin chính xác là luôn cố gắng trực tiếp xác nhận thông tin với leader. Nếu tui hỏi một leader mà bạn hay anh/chị ấy không chắc thì họ sẽ giúp mình xác nhận với leader ở vị trí cao hơn.
Q: Nếu nhắc về một kỷ niệm/bài học tâm đắc nhất trong lúc làm RA thì Hoàng Anh nghĩ đến bài học hay kỉ niệm nào?
A: Chắc là tui sẽ nói về một bài học tâm đắc đi ha. Trong lúc làm RA thì tui nhận ra là đôi lúc mình nên cố gắng hiểu những gì người ta nói theo mindset của người ta thay vì theo mindset của mình. Điều này không có nghĩa là bản thân mình nên xem nhẹ những cảm xúc tổn thương từ lời nói của người khác, nhưng thật ra có những lúc thật sự họ chỉ muốn làm tốt công việc của họ và cũng muốn tốt cho mình thôi. Giống như tui với partner RA cũ, hồi đầu thì mỗi lần nói chuyện với bạn thì tui đều cố gắng dùng tiếng Nhật, nhưng có một lần bạn nói với tui là dùng tiếng Anh để nói luôn cũng được. Lần đó nghe được thấy buồn chứ vì tui đang cố gắng luyện tập tiếng Nhật mà, tui đã chọn cách nói thẳng với bạn về cảm xúc của bản thân. Nhưng bất ngờ ở chỗ, bạn đã nói lại với tui là bạn không hề có ý gì sâu xa hơn ngoài việc muốn việc giao tiếp cũng như công việc thuận lợi hơn. Sau đợt đó thì tui với bạn cùng xem lại là lỗi sai nằm ở đâu và tìm cách giải quyết. Trộm vía làm sao mà từ đó đến giờ tụi tui trở nên thân với nhau luôn nè.
Nếu gặp tình huống như vậy thì đầu tiên tui sẽ suy nghĩ lại lời nói của người ta trước và thường sau đó sẽ chọn một trong hai cách để giải quyết dưới đây. Một là tui sẽ nói trực tiếp với đối phương về cảm xúc của mình và gợi ý họ đổi cách nói khác đi một xíu. Hai là nếu thấy trong trường hợp của họ thì câu nói đó hoàn toàn dễ hiểu, thì mình có thể cố để đồng cảm với người ta và rút kinh nghiệm cho mình. Đây chắc hẳn là bài học không chỉ dành cho thời gian tui là RA mà còn là bài học cho sau này nữa.
Q: Khi làm RA có lúc nào Hoàng Anh cảm thấy mệt mỏi hay áp lực không? Cách giải quyết của Hoàng Anh là gì?
A: Có chứ, chắc là tui của kỳ trước luôn nhưng mà tui nghĩ ai cũng có những lúc như thế. Mỗi lần tui thấy áp lực thì tui sẽ “reflect” - tự xem xét lại và trò chuyện với người mà tui tin tưởng. Tui cảm thấy may mắn vì trong organization tui đang tham gia tui có một người bạn thân mà tui có thể chia sẻ mọi thứ. Nếu như mọi người muốn viết ra cũng được. “Tại sao mình chọn công việc này? Tại sao mình đang thấy áp lực?” - Tui tự đặt cho bản thân hai câu hỏi như thế và tui nhận ra tui chọn công việc RA vì tui thích giao tiếp với các sinh viên mới và giúp đỡ cho mọi người có một lối sống độc lập hơn để chuẩn bị cho cuộc sống dưới town. Ngoài ra thì công việc này cho tui cơ hội gặp được nhiều người tuyệt vời trong những năm học đại học.
Còn một cách nữa là mọi người có thể hỏi sempai hoặc những người đã có kinh nghiệm, tuy họ có thể không đưa ra được chính xác lời khuyên mình cần nhưng ít nhất mình cũng biết cách nên tạo mindset như thế nào để áp lực. Tuy nhiên thì tui nghĩ mọi người vẫn nên tìm ít nhất một người bạn để chia sẻ và nhận ra những áp lực ai ai cũng có, để chấp nhận có áp lực là một chuyện bình thường và tiếp tục cố gắng.
Q: Bởi vì AP House ở gần Campus nên đi lại cũng khá bất tiện, vậy Hoàng Anh lúc đi mua thực phẩm thì như thế nào?
A: Cũng tuỳ mùa nữa á, mà tui đi chợ tầm 1 tuần rưỡi một lần, mua nhiều để trữ và đa phần là tui mua đồ ăn vặt. Tại sao mua đồ ăn vặt hả? Vì trên này nếu hết đồ ăn mặn thì còn cafeteria và Lawson, chứ đồ ăn vặt trên này ít lắm. Tui thích đi chợ ở Trial vì chỗ đó bán nhiều đồ mà rẻ nữa. Nếu bận quá chưa có thời gian đi mua đồ ăn thì tui ăn ở cafeteria, hoặc ở phòng ăn mì gói hay tokbokki,...
Q: Hoàng Anh giao tiếp với các bạn người Nhật như thế nào? Vì RA là sinh viên quốc tế thì HA đã làm thế nào để vượt qua rào cản ngôn ngữ?
A: Tui thấy việc giao tiếp với các bạn residence người Nhật không phải là một vấn đề lớn với tui vì đa phần những cuộc hội thoại thường ngày bằng tiếng Nhật thì cũng đơn giản. Tui thấy tui có lợi thế vì bản thân đã học qua được Pre-Advanced Japanese rồi nè. Các bạn cũng thích RA ngoại quốc nữa vì nền văn hoá khác nhau nên có nhiều điều để tìm hiểu, cũng như có mình thì các bạn cũng có cơ hội luyện tập nói tiếng Anh nữa! Có rào cản hay khó khăn thì cũng chỉ là những lúc họp với bạn RA người Nhật bàn về công việc vì công việc mà nên là cần dùng nhiều từ ngữ chuyên môn hơn.
Q: Hoàng Anh có lời khuyên nào đến các RA mới hoặc những em muốn trở thành RA sau này không?
A: “With great power comes great responsibility” - “Power” ở đây không phải là năng lực lớn lao dời núi lấp biển gì đâu. Mình mong là các bạn biết rằng trở thành RA rồi thì các bạn cũng chính là những mentor hướng dẫn các residence vậy nên có rất nhiều trách nhiệm trong đó. Trách nhiệm trong tất cả mọi thứ và trách nhiệm cũng gắn với đời sống riêng của RA nữa. Ví dụ như là mình không được tiết lộ thông tin của residence hay những gì đang xảy ra ở AP House ra ngoài. Hay về việc hướng dẫn residence cách phân loại rác cũng là một công việc cần sự kiên nhẫn.
Bên cạnh đó, đúng thật là công việc nào cũng đều có những tính chất riêng của nó. Bên cạnh những niềm vui thì cũng có nhiều thử thách trong công việc RA nữa. Tui mong là các bạn hay các em có thể tự nhủ điều đó với bản thân để không sốc văn hoá như tui lúc vừa vào vì hồi đó tui suy nghĩ đơn giản lắm.
Điều cuối cùng mà tui muốn nói là nếu như được lựa chọn lại thì tui vẫn chọn công việc này. Đây là công việc đáng để thử vì nó giúp luyện tính tự chủ và giúp tui học được nhiều thứ. Hy vọng mọi người hãy cân nhắc kỹ lưỡng để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhen!
-
Người viết bài: Hồng Hạnh
Comments