top of page

Kinh nghiệm APPLY HỌC BỔNG ở APU (1)

  • vysaapu
  • Sep 14, 2019
  • 7 min read

Updated: Feb 15, 2020

Dưới đây là bài chia sẻ tham khảo từ chị Vũ Thanh Bình (FB: Vu Thanh Binh Tabi), niên khóa 2013-2017. Trong suốt bao gồm 4 năm theo học tại APU, chị đã vinh dự nhận được nhiều học bổng danh giá, đặc biệt là học bổng 2 năm trị giá hơn 2 triệu yên từ Rotary Yoneyama Foundation Scholarship.


Các bước nộp học bổng

Bước 1: Hãy bắt đầu nộp học bổng

Nghe rất là..hiển nhiên, phải không? Nhưng sự thật là, không phải ai cũng dám thử nộp học bổng, hoặc bắt tay vào việc viết đơn cả. Lí do có rất nhiều, ngoài việc không quan tâm hoặc không có nhu cầu, thì một trong những lí do hay gặp đó chính là “sợ rớt”) Mình có nhớ đến 1 câu chuyện viết trong cuốn Lean In của Sheryl Sandberg. Có nhiều phụ nữ tìm đến Sheryl, quan ngại về việc làm thế nào để cân bằng giữ việc làm và gia đình. Khi Sheryl hỏi liệu họ và chồng có nghĩ đến chuyện có con hay chưa, họ đã trả lời rằng: “Thật ra, tôi không có bạn trai!’’ Việc nộp học bổng cũng vậy. Đôi lúc chúng ta luôn nghĩ đến những hệ quả xấu, ví dụ rớt; bị bạn bè cười; “xã hội” thất vọng, để rồi bỏ cuộc ngay từ bước đầu tiên. Nhưng mà, bạn chỉ nên thật sự lo lắng khi bắt tay vào nộp đơn. Còn không, việc lo lắng cũng không có ý nghĩa gì cả.


Bước 2: Nội dung nộp học bổng

APU nói riêng và ở Nhật nói chung có rất, rất nhiều học bổng. Mỗi học bổng lại dành cho các đối tượng khác nhau. Ví dụ học bổng A sẽ dành cho các bạn có thành tích học tập tốt; học bổng B sẽ dành cho các bạn tham gia nhiều các hoạt động giao lưu văn hoá, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, vân vân. Họ sẽ luôn ghi rất cụ thể và rõ ràng ở phần giới thiệu, vì vậy, bạn hãy đọc thật kĩtrả lời các câu hỏi sao cho phù hợp với mục đích của học bổng. Một khi đã viết, hãy cố gắng viết hết sức mình, tuy chém gió nhưng vẫn phải đúng và thành thật. Có câu chuyện như thế này, bạn mình là người Uzbekistan, viết về một phim Nhật ở Uzbekistan rất nổi tiếng và cũng từ bộ phim đó mà bạn có động lực nộp đơn đi Nhật. Sau khi nộp đơn, văn phòng có gọi bạn lên và hỏi về bộ phim đó vì năm trước, đã có 1 người, cũng là Uzbekistan, viết về bộ phim tương tự và lí do tương tự như thế (mặc dù bạn ấy hoàn toàn không biết)! Nên 99% văn phòng sẽ đọc rất kĩ bài bạn viết đó, đừng copy lại, thậm chí là bài bạn đã từng nộp trước đây. Bên cạnh đó, cố gắng viết kĩ và chi tiết. Thay vì viết chung là: “Mình muốn trở thành Trợ giảng vì muốn phát triển kinh nghiệm”, có thể viết là “Mình muốn trở thành Trợ giảng vì muốn học thêm từ thầy/ cô cách soạn giáo án và đứng lớp; muốn học cách lắng nghe thông qua việc giúp đỡ, tư vấn học tập cho các bạn học sinh”)


Bước 3: Phỏng vấn

Thông thường, nộp học bổng ở APU sẽ có 3 bước: viết đơn, phỏng vấn ở trường, và phỏng vấn với công ty/ tổ chức cấp học bổng. Tuỳ học bổng mà các bước có thể ít hoặc nhiều hơn. Trước khi phỏng vấn sẽ có người hướng dẫn quy trình, cần phải lắng nghe kĩ và hỏi lại ngay nếu có gì không hiểu. Lúc mình phỏng vấn vòng 2, bác gác phòng rất chu đáo vì chỉ tụi mình cách đi đứng, chào hỏi sao cho tốt luôn. Nếu bạn không có ai chỉ cũng không sao cả, hãy nhớ lại những lần kaiwa shiken ở lớp tiếng Nhật, thầy/ cô đã hướng dẫn cách bước vào và nói Shitsureishimasu bao nhiêu lần, phải không? Ngoài ra, các bạn có thể tìm ở youtube cách phỏng vấn ở Nhật để có thể hiểu rõ hơn.

Câu đầu tiên khi trả lời phỏng vấn rất quan trọng vì nó sẽ thể hiện sự tự tin của bạn cũng như quyết định việc bạn có làm chủ buổi phỏng vấn hay không. Đừng quá lo lắng về việc ngữ pháp hay tiếng nhật của bạn có hay hay không, quan trọng là phải trả lời rõ ràng, thể hiện niềm tin vào câu trả lời. Như vậy, giám khảo sẽ hỏi những câu follow-up tuỳ vào câu trả lời của bạn, còn không, buổi phỏng vấn sẽ diễn ra lòng vòng và bạn sẽ dần bị đuối và mất tự tin.


Khác:

Tiếng Nhật có quan trọng hay không?

--> Có. Tuy gần đây một số đơn học bổng cho phép người nộp viết cả 2 thứ tiếng Nhật và tiếng Anh, khi phỏng vấn, bạn thường vẫn phải thực hiện bằng tiếng Nhật. Tuy nhiên, nếu bạn tự ti tiếng nhật không tốt hoặc lo sợ có ai đó tốt hơn, thì hãy nhớ rằng, chắc chắn luôn có một người khác tiếng Nhật tốt hơn bạn rất nhiều, NÊN đừng để đó làm lí do bạn chùn bước. Khi bắt đầu viết học bổng, mình đã rất hối hận vì không học tiếng Nhật chăm chỉ hơn. Mình dừng tiếng nhật từ lớp Intermediate, không ôn luyện gì trong suốt 1 năm. Về căn bản, mình chỉ có thể nghe được tương đối 60% những cuộc đối thoại hàng ngày vì làm TA Workshop 2 thôi. Vậy nên, khi viết đơn, mình mất hẳn 1 ngày chỉ để viết đơn. Mình phải dò từ điển, lên nhgo.net để xem cách viết, và chắc chắn sau khi viết xong vẫn phải nhờ bạn kiểm tra lại. Đến khi phỏng vấn thì đúng nghĩa mỗi ngày phải đọc đi đọc lại tờ đơn của mình, rồi xem lại tất cả từ Found 1 đến Found 3 và học thêm. Mình cảm giác giống như 2 tháng nộp học bổng mình đã học tiếng Nhật thay cho 1 năm trời bỏ dỡ T.T


Buổi phỏng vấn cũng có lúc mình không hiểu câu hỏi, nhưng vẫn cố gắng hỏi lại và các bác rất tốt bụng khi diễn giải câu hỏi theo 1 cách dễ hiểu hơn cho mình trả lời. Tuy nhiên, lời khuyên chân thành từ mình là, hãy cố gắng học tiếng Nhật khi có thể và thực tập nói khi có cơ hội.Khi ngồi đợi phỏng vấn có thể bạn sẽ xếp ngồi chung với rất nhiều người. Ở vòng 2, ngoài trường mình, mình còn được xếp ngồi chung với nhiều trường khác. Mọi người ai cũng bắn tiếng Nhật, nói chuyện rôm rả khiến mình rất căng thẳng. Đặc biệt là mình là người phỏng vấn cuối cùng, ai phỏng vấn xong cũng bảo nào là kinh khủng lắm, nào là có tận 10 mấy người nghe, vân vân, làm mình rất choáng. Lúc đó, mình đã xin ra ngoài, tự trấn an bản thân rồi nhẩm lại những gì đã chuẩn bị. Mình rất, rất biết ơn bạn gái phỏng vấn trước mình 1 người. Bạn cũng học trường mình, sau khi phỏng vấn xong bạn chạy ra và bảo mình không phải lo chi hết!! Tất cả đều yasashii và lắng nghe thật lòng. Lúc đó, mình cảm thấy rất ấm lòng và biết ơn bạn. Tất cả chúng mình đều cùng 1 chiến tuyến mà, đúng không?)


Tiếng Nhật chưa tốt, phỏng vấn mà không biết trước để chuẩn bị gì, nghe có vẻ rất khó, phải không? Nhưng đừng lo, bạn hoàn toàn vẫn có thể chuẩn bị trước bằng cách tự đặt câu hỏi cho mình.Ví dụ: Trong đơn có 1 câu hỏi là “Vì sao bạn lại chọn Nhật để đi du học’’. Bạn có thể trả lời đại ý là: Vì cấp 3 mình có tham gia tình nguyện --> mong muốn được tiếp tục công việc tình nguyện --> muốn hướng đến những giải pháp long term, đặc biệt phát triển giáo dục cho các trẻ em nghèo --> giáo dục VN còn chênh lệch tuỳ gia đình giàu-nghèo + Nhật có nền giáo dục tốt --> chọn Nhật & nghiên cứu về giáo dục Rồi mình lại nghĩ tiếp, có thể họ sẽ hỏi: “Các em nhỏ đã ảnh hưởng mình như thế nào?”, hoặc là “Giải thích rõ hơn về chênh lệch giáo dục ở VN”, v.v rồi tự trả lời tiếp. Cứ như vậy, mình sẽ hiểu hơn về bài viết của mình, cũng như có thể chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Ngoài ra, tuy câu hỏi có khác nhau, nhưng về căn bản, câu trả lời của mình lúc nào cũng sẽ có keyword chung, và nội dung đều hướng về việc “mong muốn giúp đỡ cho sự phát triển của người khác và tham gia tình nguyện”. Nên cho dù câu hỏi thế nào, mình sẽ đều cố gắng lái về 1 câu trả lời.Ví dụ: Câu hỏi “Kể về việc mình đã cố gắng làm trong những năm đại học”/ “1 việc có ảnh hưởng lớn đến mình”/ “Điểm mạnh của mình”Mình sẽ đều hướng về việc làm VYSA, một tổ chức mà mình đang tham gia. Đối với câu điểm mạnh thì mình chỉ thêm là “điểm mạnh của mình là một khi đã đặt ra mục tiêu thì sẽ luôn cố gắng hết mình vì mục tiêu đó” và dẫn về VYSA.


TÓM TẮT LẠI:

Theo mình, điều quan trọng là cần phải:

+ Xác định đam mê của bản thân và hãy có ít nhất 1 hoạt động mà bạn sống hết mình vì nó

+ (Dù ít hay nhiều) Hãy mong muốn được cống hiến

+ Liều

+ Cố gắng hết sức mình

+ Và cuối cùng là, hãy viết và trả lời thành thật.

Nhớ nhé. Hãy nộp học bổng (hay bất kì thứ gì khác mà bạn muốn thử). Nếu rớt, đôi khi không phải là do bạn không giỏi hoặc không cố gắng, chỉ là bạn không phù hợp với học bổng đó và có học bổng khác phù hợp hơn, đang đợi bạn. Đừng bỏ cuộc. Bạn sẽ không bao giờ biết được khả năng mình đến đâu, nếu như bạn không thử.


Bài viết: Vu Thanh Binh Tabi

Comentários


bottom of page